Trồng dâu tây 'bằng smartphone' thu nhập tiền tỉ
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Xuân Thọ là một xã thuộc TP Đà Lạt, nhiều năm qua, địa phương này đã nổi tiếng với nhiều loại rau, hoa công nghệ cao. Năm 2015, xã Xuân Thọ được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt chỉ 31,4 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, đến năm 2022, thu nhập bình quân của người dân đã đạt 65 triệu đồng/người/năm (gấp 3,6 lần so với khi xã được công nhận NTM).
Hiện nay, chính quyền và người dân xã Xuân Thọ đang chung tay xây dựng NTM kiểu mẫu chuyển đổi số. Các nhà vườn làm nông nghiệp tại xã Xuân Thọ đang áp dụng rất nhiều công nghệ vào sản xuất. Điều đó cho thấy người dân cũng đang rất ủng hộ và hòa nhập vào "chiến lược" chung của địa phương.
Đảng bộ, chính quyền và người dân tại xã Xuân Thọ đang tích cực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số tại địa phương. Ảnh: Văn Long.
Có mặt tại vườn dâu tây của anh Trần Đức Nam (thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ) phóng viên thấy sự nhàn hạ của chủ vườn khi chỉ ngồi bấm điện thoại cũng chăm sóc được toàn bộ khu vườn rộng 2ha của mình.
Anh Nam cho biết, mỗi khu nhà kính được lắp thiết bị cảm biến có kết nối với hộp cảm biến gắn sim 4G. Mọi thông số từ thiết bị cảm biến được hộp cảm biến chuyển về trung tâm điều khiển xử lý. Vì vậy, các thông số khi truyền về trung tâm điều khiển, sự cố, trục trặc bên trong hệ thống đều được báo về phần mềm được cài đặt trong điện thoại của anh Nam biết và thông báo công nhân xử lý nhanh chóng.
Anh Trần Đức Nam bên một hộp trung tâm điều khiển việc tưới nước, phân bón tự động của khu vườn 2ha trồng dâu tây của gia đình mình. Ảnh: Văn Long.
Anh Trần Đức Nam cho biết, "Ở màn hình của trung tâm điều khiển thì tôi có thể thấy được độ PH, EC của khu vườn. Ngoài ra, qua phần mềm ở điện thoại, tôi thấy được lượng nước, phân mà máy đã tưới cho dâu tây trong 1 lần tưới là bao nhiêu. Ở những vườn khác thì việc tưới nước, phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm thì vẫn phải thao tác, tắt/mở thông qua điện thoại. Thế nhưng hệ thống của tôi thì hoàn toàn tự động, không cần phải cầm đến điện thoại luôn".
Thông qua điện thoại, anh Nam có thể biết được mọi thông số nhiệt độ, độ ẩm, quy trình tưới nước, phân bón cho dâu tây trong vườn của mình. Ảnh: Văn Long.
Trong khi đó, chị Lương Thị Yến Vân (thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ) cho hay, trước đây hợp tác xã của chị đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, ngay tại các vườn trồng ớt, rau, quả của hợp tác xã mình, chị Vân đã đào tạo một đội ngũ chuyên phát trực tiếp bán hàng qua mạng xã hội. Đặc biệt với tài khoản tiktok hơn 180.000 lượt follow, chỉ với 1 phiên livestream, chị có thể bán hơn 2 tấn hàng các loại. Theo chị Vân, từ khi sử dụng tik tok thì lượng hàng bán ra của hợp tác xã đang tăng lên 50%. Hơn nữa khi sử dụng nền tảng này để bán hàng, khách hàng có thể nhanh chóng nhận được hàng đã mua, theo dõi được đơn hàng của mình đã đến đâu, bao giờ nhận được.